Tin tức

Những thông số tiêu chuẩn kỹ thuật của sàn gỗ công nghiệp mà bạn nhất định phải biết

“Hẳn bất kỳ ai trước khi mua sản phẩm đều muốn hiểu rõ các thông số kí hiệu có trên sản phẩm, giúp quá trình sử dụng đúng công năng và đạt hiệu quả. Để khách hàng dễ tìm hiểu, nắm bắt các thông tin của sản phẩm nhanh chóng và kịp thời thì các nhà sản xuất sàn gỗ công nghiệp đã đưa ra một số kí hiệu căn bản cho sản phẩm. Các kí hiệu thể hiện nguồn gốc, xuất xứ, kích thước và các tiêu chuẩn, chứng nhận chất lượng sàn gỗ được in trên bao bì hộp gỗ. Sau đây là những giải thích về những kí hiệu và thông số tiêu chuẩn của sàn gỗ công nghiệp mà Nội Thất Hoàn Hảo tổng hợp có thể sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về sản phẩm sàn gỗ mà bạn đang hoặc có ý định sử dụng.”

Xuất xứ sàn gỗ công nghiệp

Ván sàn gỗ tại Việt Nam hiện nay có quá nhiều thương hiệu và được nhập khẩu từ rất nhiều nước trên thế giới và cả sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên bạn cần biết sản phẩm nào là sản phẩm nhập khẩu nguyên hộp hoặc sản phẩm nào được sản xuất bởi nước thứ 3 (sàn gỗ công nghệ). Để biết về thông số tiêu chuẩn xuất xứ của sàn gỗ, bạn hãy để ý bên dưới mặt tấm gỗ thường được in ngày sản xuất và xuất xứ của sản phẩm bằng dòng chữ tiếng anh “Made in + tên quốc gia”. 

*Lưu ý: Nếu bạn vẫn chưa yên tâm thì hãy yêu cầu xem CO, CQ là những chứng nhận xuất xứ của sản phẩm

Kích thước sàn gỗ công nghiệp

Trong thông số về kích thước, bạn cần quan tâm nhất là về bề dày của sàn gỗ, đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới độ ổn định của sản phẩm. Thông thường sàn gỗ có độ dày từ 8mm – 12mm, phổ biến nhất là loại dày 8mm và loại dày 12mm.

Độ dày sàn phổ biến tại Việt Nam:

Sàn gỗ 8mm: được thiết kế bề mặt có khả năng chống mài mòn đạt tiêu chuẩn từ AC2 – AC4. Phổ biến cho các công trình dân dụng, chất lượng đủ đáp ứng các nhu cầu cơ bản, phục vụ cho mục đích sử dụng ngắn hạn, khu vực ít sử dụng, ít đi lại, hoặc cho mục đích trang trí…

Sàn gỗ 12mm: thông thường sẽ được thiết kế bề mặt có độ mài mòn cao từ AC4, AC5 Là loại sàn gỗ có độ ổn định tốt nhất, có khả năng chịu lực chịu nước tốt hơn, thường sử dụng cho các công trình sử dụng lâu dài, các khu vực sử dụng nhiều. Loại sàn gỗ 12mm cũng tạo cảm giác chắc chắn, thoải mái và ít tiếng ồn hơn.

Tiêu chuẩn về hàm lượng Formaldehyde (E) mg/kg không khí.

Tiêu chuẩn E là: nồng độ phát thải hàm lượng Formaldehyde ra ngoài không khí.

-Formaldehyde có công thức hóa học HCHO là chất có mùi hắc, nếu tiếp xúc nhiều gây khó thở, độc hại.

-Được sử dụng trong rất nhiều ngành công công nghiệp như: sản xuất vải, nhựa, gỗ công nghiệp… Vì là chất có hại nên việc sử dụng Formaldehyde được kiểm soát rất chặt chẽ.

-Tại các nước Châu Âu, Nhật Bản, Mỹ những sản phẩm nội thất không đáp ứng tiêu chuẩn E1 (nồng độ formaldehyde dưới 0.005 %) hoàn toàn bị cấm.

Riêng đối sàn gỗ công nghiệp tại Việt Nam cũng không ngoại lệ. Các dòng sản phẩm đều phải đạt tiêu chuẩn E1 hoặc E0 an toàn cho sức khỏe.

Tiêu chuẩn về độ mài mòn AC g/cm2 (Abrasion Resistance)

AC là thông số về độ mài mòn của bề mặt sản phẩm sàn gỗ được tính theo đơn vị g/cm2. Đây là thông số nói nên độ bền của bề mặt sàn nhà. Thông số mài mòn được chia theo tiêu chuẩn sau:

  • AC1/Class.21: Độ chống mài mòn thấp, hiện nay thường không được sử dụng.
  • AC2/Class.22: Độ chống mài mòn thấp, thích hợp cho trang trí tường và trần nhà.
  • AC3/Class.23: Độ chống mài mòn trung bình, phù hợp ở phòng ngủ và phòng làm việc.
  • AC3/Class.31: Độ chống mài mòn tốt, dùng được mọi công trình dân dụng.
  • AC4/Class.32: Độ chống mài mòn cao, văn phòng, khu công nghiệp có mật độ đi lại nhiều.
  • AC5/Class.33: Độ chống mài mòn tốt nhất, thích hợp sử dụng tại các sảnh lớn có mật độ đi lại cao, thậm chí sử dụng giày dép để đi lại.

Tiêu chuẩn về chịu lực IC Kg/cm2 (Impact Resistance)

IC viết tắt của từ impact resistance có nghĩa là thông số tiêu chuẩn về khả năng chịu lực được tính bằng Kg/cm2. Chỉ số này cho biết được khả năng chịu lực của mặt sàn. Đối với các Loại sàn gỗ thông thường là IC2. Đối với sàn HDF thì là IC1 có thể chịu được khoảng 850-870 kg/cm2. Nói chung về khả năng chịu lực thì gỗ công nghiệp khá là ổn không khác gì gỗ tự nhiên nên các bạn có thể yên tâm sử dụng nhé.

Tiêu chuẩn sàn gỗ HDF (High Density Fiberboard)

Đây là một thông số thể hiện độ đặc của ván gỗ công nghiệp lát sàn. Gỗ công nghiệp được sản xuất từ vụn gỗ nghiền nhỏ thành bột và được nén dưới tỷ trọng nhất định để định hình và tạo độ đặc cho vật liệu. Các loại sàn có độ đặc, trọng lượng bột gỗ nén ép càng cao thì độ cứng và độ bền càng tăng. Ở những dòng sàn gỗ cao cấp, thông thường tỷ trọng thường đạt trên 850kg/m3. Với tỷ trọng này có thể đảm bảo vật liệu không bị biến dạng cấu trúc khi chịu va đập cũng như giảm thiểu tình trạng giãn nở tự nhiên của gỗ.

Tiêu chuẩn chống cháy B (Burn Resistant)

Tiêu chuẩn này tuân thủ chuẩn Châu Âu BS EN13501. Nên chọn những loại sàn có tiêu chuẩn tối thiểu B1 để đảm bảo khả năng chống cháy lan tốt. Những loại sàn có chỉ số B2 trở lên khả năng chống cháy kém và dễ bắt lửa hơn.

Tiêu chuẩn chịu nước

Thông số về tiêu chuẩn chịu nước là một trong những tiêu chuẩn bạn nên quan tâm hàng đầu đối với sàn gỗ công nghiệp. Mức độ này được đánh giá giãn nở của ván gỗ khi ngâm trong nước với khoản thời gian từ 24 tiếng, từ đó đánh giá mức độ cong vênh, phồng rộp của sản phẩm trong môi trường nước.

Những loại sàn gỗ cao cấp thường không bị phồng rộp khi ngâm trong nước, độ giãn nở thấp. Các dòng sản phẩm đến từ Châu Âu và Thái Lan độ trương nở khoảng từ 10 – 12%, các loại sàn gỗ Trung Quốc thì thường là bị hỏng khi bị ngâm trong nước.

Nhìn chung, để đánh giá chất lượng sàn gỗ công nghiệp không thể dựa vào cảm nhận chủ quan bên ngoài mà cần có những tiêu chuẩn xác thực để làm căn cứ đánh giá vật liệu. Hy vọng với những thông tin mà Nội Thất Hoàn Hảo chia sẻ trên đây, bạn đã có thêm được kiến thức hữu ích để lựa chọn được vật liệu phù hợp cho ngôi nhà của mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.